29 Mar 2018

THIẾT KẾ KHU VUI CHƠI – Ý TƯỞNG LẤY TỪ ĐÂU?

Playground hay còn gọi là khu vui chơi, tại các nước phát triển thì đây là loại hình phổ biến rất được quan tâm bởi những lợi ích thiết thực mà nó mang lại trong giáo dục trẻ em. Không đơn thuần chỉ là thiết bị, khu vui chơi ngày nay còn được các nhà thiết kế kiến tạo với những ý tưởng độc đáo. Nhưng liệu có ai tự hỏi ý tưởng lấy cảm hứng từ đâu?

Theo lẽ thường, tất cả mọi người đều nghĩ thiết kế một khu vui chơi là không quá khó và trẻ em chỉ cần xích đu, váng trượt, bập bênh... Tuy nhiên theo ông Joe L. Frost - Giáo sư trường Đại học Texas, Austin chuyên gia hàng đầu về nghiên cứu thiết bị & khu vui chơi, chia sẻ rằng sự phát triển thể chất và giáo dục trẻ nhỏ thường phụ thuộc rất lớn vào cách thiết kế sân chơi một cách thông minh, khoa học và tạo nhiều giá trị học hỏi cho trẻ.

Lý giải điều này ông cho hay, trước đây khu vui chơi đã từng có 2 trường phái rõ rệt và đối lập nhau về quan niệm. Với một bên hướng về sự học tập và một bên chỉ tập trung về sự vận động, thể chất. Lúc này các nhà tâm lý học phát hiện ra nếu quá thiên hướng một trường phái nhất định sẽ gây ra tác dụng ngược, đồng nghĩa trẻ em sẽ phát triển không đồng đều và toàn diện.

TIÊU CHÍ THIẾT KẾ KHU VUI CHƠI TRẺ EM HIỆU QUẢ LÀ GÌ?

Tạo sự hào hứng, yêu thích và muốn tìm tòi khám phá - Đây chính là tiêu chí của một khu vui chơi hiệu quả. Và sẽ thật đặc biệt, nếu sân chơi còn được thiết kế với những chủ đề mới lạ như Tàu cướp biển, Tòa lâu đài... để bé tham gia đóng các vai như thuyền trưởng, đức vua, tướng lĩnh hoặc dân thường cùng các bé khác. Điều này vô tình giúp trẻ học được những kĩ năng cần thiết (lãnh đạo, giao tiếp, tư duy phản biện) một cách tự nhiên nhất.

Ngoài ra, khu vui chơi còn là sự kết hợp tổng thể các thiết bị đáp ứng đầy đủ các yêu cầu cụ thể: 

Độ tuổi: Kích thước hay cấu tạo sân chơi phụ thuộc vào độ tuổi khác nhau của trẻ, với những bé từ 1- 5 tuổi hay từ 5 – 12 tuổi sẽ có các thiết bị phù hợp.

Trò chơi thể chất: Thường chiếm 60% không gian vui chơi giúp trẻ vận động một cách an toàn, ví dụ trò đi qua lưới, trượt ống, leo núi tầm thấp...

Trò chơi trí tuệ: Chủ yếu là các bảng đố vui hay những hình ảnh mô tả với chủ đề đa dạng như  xe cộ, con vật, đồ vật để bé dần khám phá thế giới xung quanh.

CÁC NHÀ SÁNG TẠO LẤY Ý TƯỞNG TỪ ĐÂU?

Sau khi dựa vào các tiêu chí trên, bước khó khăn nhất đó chính là thiết kế khu vui chơi vừa hợp lý vừa khoa học và nhất là tạo điểm nhấn khác biệt. Theo các nhà sáng tạo để có những ý tưởng không giống ai họ đã lấy cảm hứng từ các nguồn như sau:

Lấy cảm hứng từ đặc trưng khu vực

Sự đặc trưng khu vực có thể là lịch sử văn hóa, gần biển hay núi... tại nơi đặt khu vui chơi.

Ý tưởng từ những thứ quen thuộc

Không quá xa lạ, các nhà sáng tạo chỉ đơn giản là nghệ thuật hóa những thứ gần gũi quanh ta.

Học hỏi từ chính ý tưởng của các bé

Ai nói trẻ em không phải là các nhà sáng tạo tí hon, đôi khi các bé có những ý tưởng tuyệt vời mà chính bạn cũng phải nể phục đấy nhé. 

Dù ý tưởng thiết kế trong tương lai có thay đổi như thế nào thì việc vui chơi đúng cách là điều vô cùng quan trọng. Nó giúp trẻ nhỏ tăng cường sức khỏe, não bộ phát triển, linh hoạt trong cách ứng xử và đặc biệt có thêm kĩ năng lãnh đạo. Cho nên hãy cho con bạn được tự do khám phá sáng tạo để hoàn thiện nhân cách và tư duy về sau.