LỰA CHỌN TRÒ CHƠI CHO TRẺ THEO TỪNG LỨA TUỔI
Vui chơi là một hoạt động không thể thiếu, giúp trẻ phát triển về thể lực-trí tuệ, kích thích trí tò mò và nuôi dưỡng năng lực sáng tạo. Tuy nhiên không phải trò nào trẻ cũng chơi được, nếu cha mẹ chọn trò chơi sai cách sẽ gây ra hậu quả khôn lường. Bài viết dưới đây sẽ giúp bậc phụ huynh lựa chọn trò chơi thích hợp với từng lứa tuổi, phát huy tối đa tiềm năng của trẻ.
1. Tiêu chí chọn trò chơi
Khi cho trẻ tham gia bất kì trò chơi nào, cha mẹ cần quan tâm 3 tiêu chí cốt lõi là:
- Bé có thể chơi cùng người khác: cha mẹ hay những người thân khác có thể giao tiếp và trò chuyện cùng trẻ.
- Trò chơi phải giúp trẻ tập trung tối đa: phụ huynh nên chọn các game phù hợp giúp trẻ nhập vai, tự sáng tạo câu chuyện theo trí tưởng tượng, không nên nhồi nhét quá nhiều kiến thức hay yêu cầu quá cao đối với trẻ.
- Trò chơi cần phải đảm bảo an toàn cho bé: không sắc nhọn, có trọng lượng, kích thước phù hợp với bé, không có các chất độc hại, không dễ bị bể vụn thành các mảnh nhỏ khiến trẻ có thể nuốt phải (trẻ nhỏ)...
2. Lựa chọn trò chơi cho trẻ theo lứa tuổi
Ứng với từng giai đoạn, trẻ sẽ có sự phát triển khác nhau và cha mẹ nên tìm hiểu kĩ để tìm trò chơi cho phù hợp.
Giai đoạn trẻ dưới 1 tuổi thì nuôi dưỡng ngũ quan: nghe, nhìn, sờ, ngửi, nếm chính là điều quan trọng nhất. Trò chơi tốt nhất với trẻ chính là giọng nói của bố mẹ, nụ cười của mẹ, đôi khi là cả động tác nhảy múa để pha trò, trò chơi gần gũi như ú òa, cần cẩu, nhấc bổng, làm máy bay, ngựa phi.
Trẻ từ 1-3 tuổi
Cha mẹ nên chọn những trò chơi hỗ trợ khả năng vận động của bé, đặc biệt những trò chơi có thể cưỡi lên, đạp xe 3 bánh, cầu trượt... Các đồ chơi ngoài trời như bóng lớn, đồ chơi xúc cát hay các trò chơi giác quan như xà cân bằng, sàn nhún. Trẻ thường xuyên vận động sẽ sở hữu hệ cơ xương vững chắc, phát triển chiều cao, tăng sức dẻo dai, sức chịu đựng, đồng thời tránh nguy cơ béo phì.
Trẻ em lứa tuổi này đặc biệt thích các đồ chơi đòi hỏi bé phân biệt, như các khối xếp hình và các câu đố đơn giản. Các đồ chơi tạo âm thanh như đàn, kèn, trống hay xem băng đĩa cũng khiến trẻ rất thích thú.
Trẻ từ 3-5 tuổi
Trong độ tuổi này, cha mẹ cần tạo điều kiện để trẻ chơi nhóm vì trẻ có nhu cầu lớn giao lưu, kết bạn. Những trò chơi kích thích chơi chung sẽ tạo nền tảng cho bé hình thành kĩ năng làm việc nhóm, hòa nhập với bạn bè. Những trò chơi giúp bé đóng vai, phiêu lưu vào thế giới tưởng tượng rất được ưa chuộng như tàu lửa, xe kéo, trò chơi trí tuệ (smart play)...
Trẻ từ 6-9 tuổi
Đây là lứa tuổi hiếu động nhất, ham học hỏi, có khả năng tự lập cao hơn trong gia đình. Các hiện tượng tâm lý như tri giác, trí nhớ, tưởng tượng về cơ bản là sự nối tiếp sự phát triển ở lứa tuổi từ 4 - 5 tuổi nhưng yêu cầu cao hơn. Trò chơi thích hợp: đạp xe đạp lớn, thả diều, leo trèo, thể thao,…
Trẻ từ 9-12 tuổi
Vào những năm cuối tiểu học và đầu trung học, trẻ sẽ trải qua rất nhiều sự thay đổi cả về thể chất, trí tuệ và cảm xúc, bắt đầu có ý thức về cái đúng, cái sai. Những yêu cầu trong học tập được tăng lên, vai trò của bạn bè bắt đầu trở nên quan trọng tương tự với gia đình, và tuổi dậy thì sẽ làm hình dáng của các bé thay đổi. Đây cũng là giai đoạn mà những sự khác biệt cá nhân giữa các bé trở nên rõ ràng hơn.
Trẻ em tuổi này thường chơi cùng nhau thông qua các hoạt động nhóm, thích tìm hiểu các khái niệm khoa học và học hỏi các kỹ năng giải quyết vấn đề. Các loại đồ chơi: thủ công, làm đồ trang sức, sơn trang phục, hội họa, xây dựng, mô hình có thể giúp trẻ phát huy khả năng sáng tạo và tính tự lập.
Mỗi giai đoạn phát triển của trẻ đều đáng quý, cha mẹ hãy quan tâm và chọn lựa những trò chơi phù hợp giúp trẻ có thể chất và tư duy toàn diện nhé!
Danh mục
Most View
-
Tuyển dụng Nhân Viên Content Marketing
09 Dec 2019